Nhận định Tấn_Văn_công

Tấn Văn công là một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu có sự nghiệp vẻ vang, thường được đời sau gọi chung với Tề Hoàn công là "Hoàn Văn"[6]. Tuy nhiên khi so sánh giữa Tấn Văn công với Tề Hoàn công, Giả Huyền Ông có ý kiến đánh giá Tề Hoàn công cao hơn[5]:

Tề Hoàn [công] ung dung không vội vã, có khí tượng thời thịnh nhà Chu. Tấn Văn công nông cạn hấp tấp, như có phong độ Chiến Quốc, Tần, Hán. Tả truyện mới cho là trong việc Thành Bộc, vì 3 kẻ có tội mà dân phải phục theo, đều là dùng sai hình pháp. Điên Hiệt, Kỳ Mãn, Chu Chi Kiều đều có công lao, có năng lực, nếu thực có tội có thể tha được, thế mà đều bị chết. Tấn Văn tâm không được rộng rãi, lại được bọn Hồ [Yển], Triệu [Thôi] giúp cho thêm khắc nghiệt, mọi việc đều như thế cả.

— Giả Huyền Ông

Khổng Tử thì nhận xét:

Vua Tấn Văn Công xảo trá mà không ngay thẳng. Vua Tề Hoàn Công ngay thẳng mà không xảo trá.[7]

Đối với việc Tấn Tương công kế tục thành công nghiệp bá chủ sau này, Vương Nguyên Kiệt cho rằng có công lao của Tấn Văn công và đánh giá Tấn Văn công cao hơn Tề Hoàn công[5]:

Tề Hiếu [công] không có tài nối được nghiệp Tề Hoàn. Tấn Tương [công] lại nối được nghiệp bá của Tấn Văn, truyền cho mấy đời, thế là vì sao? Xét, quốc gia mà thịnh suy, là do nhân tài được dùng hay không dùng. Hoàn công dùng Quản Trọng, giao cho hết quyền. Quyền vào một người, người chết là nghiệp suy. Văn công từ khi về nước lên ngôi đã biết tuyển dụng bọn Hồ, Triệu để thành nghiệp bá, truyền cho con cháu mấy đời mà chưa hết. Thế thì cái đạo dùng người là việc làm đầu tiên của một quốc gia, đời sau lấy đấy làm gương.

— Vương Nguyên Kiệt.

Lý Liêm nhận xét về việc Tấn Văn công phò thiên tử Chu Tương Vương giành lại ngôi vua[8]:

Giúp thiên tử, hội chư hầu, chỉ vì có lợi, không phải vì nghĩa vua tôi. Tuy Hoàn, Văn đều chép, nhưng Văn không sánh với Hoàn được... Văn công nhiều công với chư hầu hơn so với Hoàn công, nhưng tội cũng nhiều hơn. Việc thì chóng thành hơn Hoàn nhưng nghĩa thì ít hơn Hoàn. Danh trội hơn, mà thực suy hơn.

— Lý Liêm